Câu hỏi cho Tổng Bí thư: Vì sao Trần Tuấn Anh làm thất thoát hơn 1 nghìn tỷ vẫn thoát tội?

Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an vừa ra kết luận bổ sung vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Bộ Công thương và các tỉnh thành liên quan đến nhà máy điện Mặt trời Trung Nam.

Theo đó, Bộ Công an đã đề nghị truy tố cựu Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cùng bị truy tố với ông Hoàng Quốc Vượng, còn có 8 bị can khác.

Được biết, đây là lần thứ 3, cơ quan điều tra ra kết luận bổ sung, và vẫn giữ quan điểm đề nghị truy tố 12 bị can. Trước đó, vụ án này đã có kết luận điều tra vào tháng 5/2024, nhưng bị Viện Kiểm sát cùng cấp 2 lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại.

Đáng chú ý, theo Bộ Công an, trong quá trình điều tra bổ sung lần thứ 3, Cơ quan điều tra đã triệu tập, lấy lời khai ông Trần Tuấn Anh, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương (nhiệm kỳ 2016 – 2021) và ông Trịnh Đình Dũng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ.

Vẫn theo Bộ Công an, trong vụ án này, dù nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trực tiếp ký 6 tờ trình, và đã gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng. Cụ thể, tại dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam, từ tháng 10/2020, đến hết ngày 30/9/2023, EVN đã thanh toán sai tiền mua điện, và gây thiệt hại hơn 1.043 tỷ đồng.

Việc ông Trần Tuấn Anh không bị xử lý hình sự trong vụ án điện gió của Bộ Công Thương, ngay lập tức đã làm dậy sóng mạng xã hội. Công luận đặt câu hỏi, vì sao Bộ Công an truy tố đối với Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, mà không xử lý hình sự với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh?

Theo Bộ Công an cho biết, trong phân công nhiệm vụ trong lãnh đạo Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2016 – 2021, bị can Hoàng Quốc Vượng được Bộ trưởng Bộ Công thương phân công phụ trách Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo. Đồng thời ông Vượng là người trực tiếp chịu trách nhiệm chỉ đạo xây dựng dự án này.

Theo đó, khi ký các tờ trình, báo cáo, Bộ trưởng Tuấn Anh không biết việc bị can Hoàng Quốc Vượng chỉ đạo điều chỉnh mở rộng diện đối tượng trái với Nghị quyết số 115 của Chính phủ. Kết quả điều tra đã cho thấy, không có tài liệu, chứng cứ thể hiện ông Trần Tuấn Anh có động cơ vụ lợi. Do đó, không xem xét xử lý hình sự đối với ông Trần Tuấn Anh.

Tương tự, đối với nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ Công an cũng cho rằng, không có tài liệu, chứng cứ thể hiện ông Trịnh Đình Dũng nhận tiền, lợi ích vật chất khác. Do đó, không xem xét xử lý hình sự đối với ông Trịnh Đình Dũng.

Trên mạng xã hội đã có các so sánh đáng quan tâm, theo đó cựu Phó Bí thư thường trực Thành phố Hồ Chí Minh Tất Thành Cang, người đặt bút ký duyệt bán 9 triệu cổ phần của SADECO gây thiệt hại 669 tỷ đồng, và đã nhận bản án 8 năm 6 tháng tù. Ngoài ra, ông Cang còn lợi dụng duyệt bán đất rẻ ở 2 dự án, cũng đã gây thiệt hại 207 tỷ đồng, cũng đã lãnh án 6 năm tù. Tổng hợp hình phạt của bị án Tất Thành Cang là 14 năm 6 tháng tù.

Công luận đặt câu hỏi, tại sao, Bộ Công an đã xác định cựu Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký 6 tờ trình, gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng nhưng không bị xử lý hình sự? Cũng như, Tổng Bí thư Tô Lâm chấp thuận với lý do không có động cơ vụ lợi liệu có thỏa đáng hay chưa?

Hơn nữa, đây là việc gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng là những đồng tiền thuế của người dân, mà còn phải xem xét rằng vụ lợi cần phải có lý do hay sao? Trong khi luật pháp chống tham nhũng ở Việt Nam đã quy định cụ thể, ai tham nhũng, ăn hối lộ 1 tỷ đồng trở lên phải nhận bản án chung thân hoặc tử hình.

Phải chăng cựu Bộ trưởng Bộ Công thương, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh là con trai của cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương, và đây là “vùng cấm” hay trường hợp ngoại lệ, thưa Tổng Bí thư Tô Lâm?

 

Trà My – Thoibao.de