Vì sao chủ trương dùng tiền để dân tố nhau của Bộ Công an là “lợi bất cập hại”?

Việc Bộ Công an Việt nam đưa ra chủ trương tăng mức phạt đối với vi phạm luật giao thông, đã gây ra nhiều tranh cãi. Đáng chú ý, Nghị định 168 có quy định mức chi hỗ trợ cá nhân, hay tổ chức, cung cấp thông tin vi phạm về trật tự an toàn giao thông.

Theo đó, tiền thưởng cho một lần cung cấp thông tin, không quá 10% số tiền xử phạt, và tối đa là 5 triệu đồng. Theo Bộ Công an, chính sách khuyến khích và khen thưởng người dân tố giác vi phạm luật giao thông, là biện pháp cần thiết để nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông trong xã hội.

Giới chuyên gia cho rằng, đây là biện pháp “khéo léo”, nhằm tăng cường sự giám sát, để biến người dân thành “tai mắt” của ngành công an. Tuy nhiên, thông tin từ người dân khó chính xác, có thể dẫn đến hiểu lầm hoặc xử lý sai.

Công luận cho rằng, Nghị định 168 mang tính “lợi ích nhóm”, nhằm mục tiêu tận thu, có lợi cho ngành công an. Từ đó, có thể tạo điều kiện cho tham nhũng và lạm quyền trong lực lượng cảnh sát giao thông, nhất là khi Tổng Bí thư Tô Lâm xuất thân từ Bộ Công an.

Ngoài ra, vấn đề bảo vệ người tố giác ra sao để không bị trả thù, hoặc gặp rắc rối sau khi cung cấp thông tin, là vấn đề cần quan tâm. Hơn nữa, khả năng cao, có thể xuất hiện tình trạng lợi dụng chính sách để tố cáo sai sự thật, vì mục đích trả thù cá nhân.

Vấn đề khen thưởng người dân tố giác vi phạm giao thông, đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, trên mạng xã hội và trong dư luận. Một số ý kiến cho rằng, việc gắn phần thưởng tài chính với hành động tố giác, có thể dẫn đến tình trạng người dân tố cáo lẫn nhau vì lợi ích cá nhân, gây mất đoàn kết trong cộng đồng.

Ngoài ra, còn có không ít người lo ngại rằng, việc khuyến khích ghi hình và báo cáo vi phạm, có thể dẫn đến xâm phạm quyền riêng tư.

Bên cạnh đó, đa số các ý kiến so sánh với việc trước đây, nhà nước Việt Nam cũng vận động, kêu gọi người dân tham gia tố giác tham nhũng, và được thưởng tiền. Tuy nhiên, trên thực tế, tiền thưởng đâu không thấy, nhưng đã có một số trường hợp, người tố cáo “tham nhũng” bị bắt giữ và kết án tù, với tội danh lợi dụng quyền tự do dân chủ, theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.

Điều đó đã gây ra các lo ngại, về tính hiệu quả và minh bạch của các biện pháp chống tham nhũng nói trên, khi Chính phủ thường xuyên kêu gọi người dân góp sức để chống tham nhũng. Mà trường hợp Youtuber Đường Văn Thái bị bắt cóc từ Thái Lan về Việt Nam, và bị xử phạt 12 năm tù, là ví dụ điển hình.

Việc kêu gọi người dân tố giác tham nhũng, nhưng lại không bảo vệ họ, thậm chí còn bắt giam người tố cáo, đã tạo ra mâu thuẫn và làm giảm hiệu quả của các nỗ lực chống tham nhũng. Từ đó đã gây ra mất lòng tin của người dân đối với Đảng, và có thể làm suy yếu tinh thần đoàn kết trong xã hội.

Theo giới phân tích, chủ trương sử dụng tiền bạc để lôi kéo sự tham gia của người dân, là một chủ trương “lợi bất cập hại”, lợi thì ít nhưng hại thì nhiều. Vì điều này sẽ khuyến khích những hành vi tiêu cực trong xã hội.

Đồng thời, chính sách khuyến khích người dân tố giác lẫn nhau, đi ngược lại tư tưởng Hồ Chí Minh, vì ông từng nhấn mạnh nguyên tắc “thêm bạn, bớt thù”, trong việc xây dựng mối quan hệ xã hội. Tố giác lẫn nhau cũng có thể làm gia tăng mâu thuẫn và chia rẽ trong xã hội, tạo ra sự nghi kỵ và chia rẽ trong cộng đồng.

Tóm lại, việc sử dụng tiền để khuyến khích người dân tố giác lẫn nhau, có thể mang lại nhiều hệ lụy tiêu cực, làm suy giảm niềm tin xã hội, tạo ra xung đột, và đi ngược lại các nguyên tắc xây dựng một xã hội đoàn kết, hòa bình và phát triển.

 

Trà My – Thoibao.de