Giới trẻ Trung Quốc có bằng cấp cao vẫn không thể có được công việc như mong muốn

Ngày 4/1, BBC Tiếng Việt có bài phóng sự: “Giới trẻ Trung Quốc học thức cao làm lái xe, lao động phổ thông, diễn viên phụ”.

Theo đó, BBC cho hay, Trung Quốc hiện nay là quốc gia mà một thợ đụng ở trường trung học có trình độ thạc sĩ vật lý, một nhân viên vệ sinh có bằng về quy hoạch môi trường, một tài xế giao hàng học triết học, và một tiến sĩ từ Đại học Thanh Hoa danh giá lại ứng tuyển vào vị trí cảnh sát hỗ trợ.

Đó là những trường hợp thực tế trong một nền kinh tế đang gặp khó khăn – và không khó để tìm được những trường hợp tương tự.

Trung Quốc đang sản xuất hàng triệu sinh viên tốt nghiệp đại học mỗi năm, nhưng ở một số lĩnh vực lại không có đủ việc làm cho họ.

Nền kinh tế đang gặp khó khăn và đình trệ ở nhiều lĩnh vực quan trọng, kể cả bất động sản và sản xuất.

BBC thống kê, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ đã từng lên tới gần 20%, trước khi nhà nước đổi cách tính, để làm cho tình hình trông có vẻ khả quan hơn. Vào tháng 8/2024, tỷ lệ thất nghiệp vẫn là 18,8%. Con số mới nhất vào tháng 11 đã giảm xuống còn 16,1%.

Nhiều người tốt nghiệp đại học gặp khó khăn khi tìm việc đúng ngành đúng nghề, nên đang làm những công việc dưới trình độ, khiến cho gia đình và bạn bè chỉ trích.

BBC dẫn lời giáo sư Zhang Jun, từ Đại học Thành phố Hong Kong, nhận định: “Thị trường việc làm thực sự rất khó khăn ở Trung Quốc đại lục, vì vậy tôi nghĩ nhiều người trẻ phải điều chỉnh kỳ vọng của mình”.

Bà cho biết, nhiều sinh viên đang tìm cách lấy các bằng cấp cao hơn để có cơ hội tốt hơn, nhưng sau đó, thực tế của môi trường tìm việc khiến họ nhận ra điều đó không dễ dàng.

BBC dẫn lời cô Wu Dan, 29 tuổi, hiện đang là thực tập sinh tại một phòng massage trị liệu thể thao ở Thượng Hải, cho biết “Thị trường việc làm thực sự khó khăn,”.

“Với nhiều bạn học thạc sĩ của tôi, đây là lần đầu tiên họ đi tìm việc nhưng rất ít người trong đó đã kiếm được việc.”

Cô Wu Dan cũng không ngờ được chuyện mình bị đưa đẩy vào công việc này, khi cô có một tấm bằng tài chính từ Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong.

Trước đó, cô làm việc tại một công ty giao dịch hợp đồng tương lai ở Thượng Hải, ở đó cô chuyên về các sản phẩm nông nghiệp.

Cô thừa nhận mình không thể sống sót ở Thượng Hải với mức lương hiện tại, nếu không nhờ bạn đời đã có nhà.

Những người tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc, đang buộc phải thay đổi nhận thức về những gì có thể được coi là “một vị trí tốt,” giáo sư Zhang cho biết thêm.

Theo những gì có thể coi là “dấu hiệu cảnh báo” cho giới trẻ, “nhiều công ty ở Trung Quốc, kể cả nhiều công ty công nghệ, đã sa thải rất nhiều nhân viên” bà Zhang nhận xét.

Bà cũng cho biết các lĩnh vực lớn của nền kinh tế, trước đây là những nhà tuyển dụng lớn của các cử nhân, hiện đang đưa ra các điều kiện làm việc dưới chuẩn, và cơ hội tốt trong những lĩnh vực này ngày một biến mất.

BBC cho biết, trong khi họ tìm cách giải quyết tương lai, những người tốt nghiệp đại học thất nghiệp cũng đã tìm đến ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình.

Nhiều người cũng lo sợ họ sẽ không bao giờ có được việc làm tốt, nên có thể phải chấp nhận một công việc khác xa với những gì họ hình dung.

Sự thiếu niềm tin về triển vọng kinh tế Trung Quốc khiến giới trẻ thường không biết tương lai rồi sẽ ra sao.

Cô Wu Dan cho biết ngay cả những người bạn của cô đang có việc làm cũng cảm thấy rất bối rối.

“Họ khá lúng túng và cảm thấy tương lai mờ mịt. Những người đang làm việc cũng không hài lòng với công việc của mình. Họ không biết liệu có giữ được công việc hiện tại hay không. Và nếu mất việc, họ có thể làm gì tiếp?”

Cô nói mình sẽ chỉ “xuôi theo dòng và dần khám phá những gì mình thực sự muốn làm”.

 

Minh Vũ – thoibao.de