Vì sao việc tinh gọn bộ máy sẽ làm cho thế lực chống Tô Lâm càng đông đảo hơn?

Việc sáp nhập và tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị Việt Nam, đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ dư luận xã hội. Trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều ý kiến và đánh giá khác nhau về chủ trương này.

Ngày 1/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, một loạt các cơ quan của Đảng sẽ được sáp nhập với các cơ quan khác hay các cơ quan của Chính phủ. Được biết, hiện nay bộ máy của Chính phủ đang tồn tại 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, và 8 cơ quan trực thuộc. Nếu chủ trương tinh giản được thực hiện theo đúng kế hoạch, thì sẽ cắt giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trong số này.

Ông Tô Lâm nhấn mạnh, sẽ tạm dừng bổ nhiệm chức vụ cao hơn đối với các đơn vị thuộc diện sắp xếp, tinh gọn, cũng như dừng tuyển công chức từ ngày 1/12 cho đến khi hoàn thành việc sắp xếp bộ máy, trừ những trường hợp “ngoại lệ” thật sự cần thiết. Ông Tô Lâm cũng đã đưa ra yêu cầu hoàn thành trong quý 1 năm 2025.

Xin nhắc lại, vào năm 2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho tái lập nhiều ban đảng, với mục đích thâu tóm quyền lực vào hệ thống của Đảng. Điều này được đánh giá là “một bước lùi về chính trị”. Cho đến nay, mặc dù mới nhậm chức Tổng Bí thư, ông Tô Lâm đang có các động thái sắp xếp, xóa bỏ các di sản của người tiền nhiệm.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng thừa nhận rằng quá trình này sẽ gặp nhiều khó khăn, đụng chạm đến lợi ích của một số cá nhân, và tổ chức là điều khó có thể tránh khỏi. Nhưng vẫn phải tiến hành để đảm bảo hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Công luận đặt câu hỏi, chuyện sáp nhập, tinh gọn bộ máy nhà nước, và hệ thống công quyền của Tổng Bí thư Tô Lâm, nghe nói thì rất hay nhưng liệu có thể thành công hay không, là điều vẫn chưa có câu trả lời?

Một số ý kiến cho rằng việc sáp nhập có thể dẫn đến tình trạng quá tải công việc cho cán bộ nhà nước. Cũng như, việc gộp nhiều đơn vị hành chính sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ công, sẽ khiến người dân gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ hành chính.

Bên cạnh đó, một số đông vẫn nghi ngờ về động cơ thực sự của ông Tô Lâm trong việc sáp nhập. Dư luận cho rằng, đây có thể là biện pháp “mượn gió bẻ măng”, nhằm loại bỏ các cá nhân vốn là đối thủ chính trị của Tổng Bí thư Tô Lâm và phe cánh.

Theo giới chuyên gia, việc sáp nhập và tinh gọn bộ máy thường dẫn đến tình trạng dôi dư nhân lực. Điều đó sẽ gây lo ngại đến tương lai của những người làm trong bộ máy công trong số bị dôi dư, kể cả các chức vụ lãnh đạo.

Giới phân tích đã đưa ra nhận xét, nguyên tắc hoạt động của chế độ cộng sản là quản lý càng nhiều càng tốt, bộ máy càng to càng tốt. Vì bộ máy to thì cơ hội ban phát bổng lộc ra xã hội càng nhiều. Tức là, nhân dân ăn lộc triều đình càng nhiều thì chế độ sẽ bền vững tuyệt đối.

Bộ máy hành chính cồng kềnh đã luôn tồn tại và được vận hành song song với nhà nước toàn trị, được duy trì như một “vành đai” để bảo vệ thể chế và chế độ, đã khiến tham vọng tinh giản của Tổng Bí thư Tô Lâm đã khó khăn, nay trở nên muôn vàn khó khăn hơn. Nhất là khi động chạm đến quyền lơi cá nhân của hơn 2 triệu nhân sự trong bộ máy công quyền hiện nay.

Hơn nữa, các vị trí béo bở “hái ra tiền” trong bộ máy Đảng, Nhà nước… phần lớn là các nhân sự “con ông cháu cha”, sẽ là các “pháo đài” bất khả xâm phạm. Các lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam từ trung ương đến địa phương chắc chắn sẽ không ủng hộ chủ trương tinh gọn của Tổng Bí thư.

Xin đừng quên, bộ máy chính quyền càng nhỏ thì nguy cơ “phản động” chống Đảng sẽ càng lớn.

 

Trà My – Thoibao.de