Sáng 1/12, Tô Lâm cho họp Bộ Chính trị và Ban Bí thư, để triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18, Trung ương 6 khóa 12, về việc đổi mới, tinh gọn hệ thống chính trị, hiệu lực và hiệu quả; tổng kết tình hình kinh tế – xã hội năm 2024; giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế – xã hội năm 2025, và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.
Tại cuộc họp, ông Lê Minh Hưng – Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết, báo cáo tổng kết các phương án tinh gọn bộ máy sẽ được trình Bộ Chính trị, trước ngày 28/2/2025. Sau đó sẽ trình Hội nghị Trung ương Đảng, dự kiến vào trung tuần tháng 3/2025, để xem xét và thông qua.
Trong đó, ông Tô Lâm dự tính dẹp bỏ Ban Đối ngoại Trung ương, chuyển giao nhiệm vụ cho Bộ Ngoại giao và một phần công việc cho Văn phòng Trung ương Đảng; sáp nhập Bộ Kế hoạch Đầu tư vào Bộ Tài chính; sáp nhập Bộ Giao thông Vận tải vào Bộ Xây dựng; sáp nhập Bộ Thông tin Truyền thông với Bộ Khoa học Công nghệ…
Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn cũng được dự kiến sáp nhập, để thực hiện quản lý về nông nghiệp, tài nguyên môi trường. Loại bỏ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, chuyển các nhiệm vụ của Bộ này về: Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, và một số cơ quan khác liên quan. Kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính, các bộ chuyên ngành, và các đơn vị liên quan.
Như vậy, việc tinh gọn bộ máy nhà nước và bộ máy Đảng, sẽ làm dư ra một số Ủy viên Trung ương Đảng. Tại các cơ quan sáp nhập, ai làm sếp, ai làm phó… là vấn đề tranh cãi. Chắc chắn, sẽ có người mất miếng bánh đang có, và không ít người sẽ bị giật miếng ăn khỏi miệng. Rất có thể, những người không thuộc hệ sinh thái quyền lực của Tô Lâm sẽ bị đẩy ra, cho “ngồi chơi xơi nước”. Bởi nếu không giảm số Ủy viên Trung ương Đảng, thì làm sao tinh gọn bộ máy?
Tuy nhiên, việc sáp nhập các cơ quan nhà nước để tinh gọn bộ máy, chỉ làm bề mặt và chưa chắc đã giải quyết được vấn đề. Ví dụ, nhập 2 bộ thành 1, nhưng số ban trong bộ mới lại tăng lên, bằng hoặc thậm chí là vượt tổng số ban bệ của 2 bộ trước khi nhập. Như vậy, bộ máy vẫn không hề tinh gọn, mà còn cồng kềnh hơn.
Việc sáp nhập 2 bộ thành 1, là chuyện không mới. Năm 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng sáp nhập Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại, thành Bộ Công thương; sáp nhập Bộ Văn hóa với Ủy ban Thể dục thể thao, và Tổng cục Du lịch, hình thành nên Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; sáp nhập Cục Báo chí, Cục Xuất bản vào Bộ Bưu chính Viễn thông, thành Bộ Thông tin Truyền thông vv… Nhìn tổng số bộ thì thấy gọn, tuy nhiên, số ban bệ trong các bộ mới lại phình ra, thì vẫn không gọn.
Đạo diễn chương trình “khắc nhập” lần này là ông Tô Lâm. Nhưng rất có thể, đây là chính sách được cựu Thủ tướng Dũng tư vấn, bởi ông từng thực hiện khi làm Thủ tướng. Nhưng nhìn vào kết quả chương trình “khắc nhập” của ông Ba Dũng, có thể đoán được, bộ máy nhà nước sau khi ông Tô Lâm tinh giản có gọn hơn hay không. Liệu hiệu quả của lần này có khác trước? Hay vẫn như vậy?
Cũng như ông Nguyễn Phú Trọng, mượn “lò” để thanh trừng nội bộ, thì giờ đây, ông Tô Lâm cũng mượn danh chính sách “khắc nhập”, để loại bớt thành phần uỷ viên Trung ương Đảng không cùng phe cánh. Dùng danh nghĩa “tinh gọn bộ máy” để hạn chế những thế lực khác vào Bộ Chính trị, và giành suất cho phe Hưng Yên mở rộng của Tô Lâm – đó mới là thượng sách.
Một chính sách dưới bàn tay của những cáo già chính trị bao giờ cũng có 2 mặt – mị dân và mục đích thật sự của nó.
Trần Chương – Thoibao.de