Ngày 28/11, RFA Tiếng Việt loan tin “Một đại tá công an được bổ nhiệm làm thẩm phán toà tối cao”.
Theo đó, ngày 28/11, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết, thông qua đề nghị của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, về việc bổ sung thẩm phán vào cơ quan cao nhất của hệ thống tòa án Việt Nam.
RFA cho hay, đáng chú ý là, trong số 2 thẩm phán của tòa tối cao được bầu bổ sung lần này, có ông Nguyễn Quốc Đoàn – người chưa từng đảm nhiệm bất cứ vị trí nào trong lĩnh vực tư pháp.
Thông tin tiểu sử của ông Đoàn được báo Lạng Sơn đăng tải cho thấy, quá trình công tác của ông diễn ra ở 2 lĩnh vực – công an và ngạch Đảng.
Ở ngành công an, ông Đoàn mang hàm Đại tá, và từng lên đến chức Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, trước khi được điều động sang ngạch Đảng, nơi ông kinh qua các vị trí Phó Bí thư tỉnh Thừa Thiên Huế và Bí thư tỉnh Lạng Sơn.
RFA dẫn lời một luật sư đang hành nghề tại Việt Nam, nói rằng:
“Tôi rất thất vọng với lựa chọn này, một người vốn dĩ có tư duy của ngành công an, quen với tư duy điều tra, trấn áp tội phạm, giờ lại ngồi ghế thẩm phán tối cao để xét xử số phận con người, một nghề đòi hỏi phải trải qua quá trình rèn luyện lâu dài về các triết lý công lý và công bằng.”
Vị luật sư này cũng tỏ ra lo ngại về khả năng, các quyền con người và lợi ích của người dân sẽ không được tòa tối cao cân nhắc đúng mực, khi thẩm phán có gốc công an.
RFA cũng cho biết, ngoài ra, ông Lê Tiến, một người có kinh nghiệm làm việc trong ngành kiểm sát, cũng được bầu làm thẩm phán của tòa tối cao trong lần này.
RFA nhắc lại, vụ việc liên quan đến Tòa án Nhân dân Tối cao được xã hội quan tâm, là phán quyết giữ nguyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải. Chánh án tòa tối cao lúc đó là ông Nguyễn Hòa Bình, một người cũng xuất thân từ ngành công an, mang hàm Thiếu tướng.
Trái ngược với Việt Nam khi bổ nhiệm những người xuất thân từ công an vào vị trí thẩm phán, ở Hoa Kỳ, thẩm phán được lựa chọn từ giới luật sư, dựa trên uy tín và thành tích của họ.
Có thể thấy, giới luật sư chính là những người chuyên bảo vệ con người, quan tâm và thấu hiểu số phận con người, trải qua bề dày kinh nghiệm nghề nghiệp của họ. Đây là sự khác biệt cơ bản giữa một chế độ tôn trọng quyền con người, và một chế độ độc tài, luôn chà đạp quyền con người.
Quy trình bổ nhiệm một thẩm phán Liên bang khá kỹ lưỡng và được nhiều cơ quan/ tổ chức tham gia thẩm định, trước khi Tổng thống bổ nhiệm. Điều này cũng cho thấy mức độ quan trọng của những người cầm cân nảy mực, vì họ có quyền quyết định số phận con người.
Khác với Mỹ, ở Việt Nam, quá trình và thủ tục lựa chọn diễn ra nhanh chóng, sơ sài, chủ yếu dựa trên các mối quan hệ cá nhân, phe phái, và thậm chí là cả “chạy chức” bằng tiền.
Ở Mỹ, đầu tiên, Chưởng lý và Phó Chưởng lý sẽ tìm những ứng viên phù hợp với các tiêu chuẩn mà Tổng thống đưa ra. Sau đó, nhân viên của Bộ Tư pháp sẽ thẩm tra kỹ lưỡng từng ứng viên, và Cục điều tra bang (FBI) thường tiến hành một cuộc kiểm tra an ninh.
Lãnh đạo các đảng phái hầu như không ảnh hưởng gì, nhưng ngược lại, các nhóm bảo vệ quyền con người, các tổ chức lao động… đều không ngần ngại gây áp lực lên quá trình tuyển chọn thẩm phán. Uỷ ban Tư pháp Liên bang thuộc Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ đóng một vai trò thiết yếu. Họ đánh giá năng lực của các ứng cử viên dựa trên 3 tiêu chuẩn: khí chất, năng lực chuyên môn, và tính liêm chính. Những điều này cũng hoàn toàn trái ngược với Việt Nam.
Cuối cùng là lá phiếu của Thượng viện. Khi Thượng viện bất đồng ý kiến với Tổng thống, họ có thể phản đối khiến tên của ứng viên bị rút lại, hoặc “trì hoãn vô thời hạn”.
Xuân Hưng – thoibao.de