Lúc 2 giờ sáng giờ Cali, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã viết một status khá dài trên Facebook cá nhân của ông. Bài viết này đáp trả dư luận, về vụ kiện tụng của ông với chồng ca sĩ Bích Tuyền.
Có thể tóm tắt nội dung của status theo mấy ý chính như sau:
- Chỉ trích giới trẻ Việt Nam có ý thức và văn hoá sử dụng mạng mạng xã hội kém.
- Tâng bốc Fans của ông không thuộc tuýp người như giới trẻ.
- Chất vấn những lời chỉ trích ông, với ngụ ý rằng, “chuyện của tôi liên quan gì đến mấy người?”
- Kể lể về những mất mát “to lớn” mà ông phải gánh chịu sau tai nạn.
Như vậy, rõ ràng, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đang phản ứng lại đám đông. Tuy lời lẽ trong status có kiềm chế, không chửi bới công chúng, nhưng cũng đầy sự “sân si”. Tuy không chửi bới, nhưng lại so sánh, nói giới trẻ là không có văn hóa ứng xử, còn fans của ông thì văn minh hơn. Không biết, những fans cuồng chỉ mù quáng nghe theo thần tượng, thì làm sao có thể gọi là văn minh? Bởi người văn minh thì phải có chính kiến, chứ chỉ biết nghe lời người khác, thì khác nào dư luận viên (tức bò đỏ)?
Việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho rằng, ông không tấn công cá nhân ai, thì người khác cũng đừng tấn công ông, là quan điểm không ổn. Ông được gọi là “người của công chúng”, nên vấn đề liên quan đến đạo đức của ông, người khác phải lên tiếng. Khi đến nhà người khác chơi, mà tự ý nhảy lên chỗ không dành để ngồi, rồi bị tai nạn, thì đó là lỗi của chính ông. Vậy mà ông còn đi kiện chủ nhà, thì mới gây nên sự bất bình. Hơn nữa, ca sĩ này lại cho đó là “chuyện riêng”, thì càng không thỏa đáng.
Dù mất mát của Đàm Vĩnh Hưng có lớn đến đâu, thì đó cũng là lỗi do ông tạo ra, ông phải tự chịu trách nhiệm. Nhưng ông muốn người khác phải bồi thường cho trò “nghịch dại” của ông.
Khi bị dư luận lên án, trước tiên, ông phải xem lại chính mình. Tuy dư luận có nhiều cách phản ứng khác nhau, có người không biết viết lời hoa mỹ, mà chửi bới thô tục. Có người thì hay chữ, học hành đàng hoàng, thì phản ứng văn minh hơn. Nhưng tất cả đều là cách biểu đạt thái độ. Trong một xã hội, với đa dạng trình độ, đa dạng thành phần, thì không thể đòi hỏi ai cũng hành xử văn minh. Nếu là người sáng suốt, thì dù bị chửi bới thô lỗ, hay bị chê trách lịch sự, thì cũng nên bình thản tiếp nhận.
Tuy trong status của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng không có những lời lẽ thô tục, khi phản pháo lại dư luận, nhưng cẩn thận đọc hết status, thì thấy, nội dung chỉ là đổ lỗi cho dư luận. Hoàn toàn không có một chữ nào cho thấy, Đàm Vĩnh Hưng tự nhận lỗi về mình.
Bị đám đông phản đối, ví như gặp phải sóng thần hoặc bão lửa. Trước những cơ sóng – bão như thế, tốt nhất là im lặng để cho bão qua đi, rồi sau đó mới giải thích, bào chữa. Còn khi bão đang ập đến, mà lại nổi sân si với công luận, thì chẳng khác nào “lấy xăng chữa lửa”. Càng chống lại dư luận, thì càng thiệt thân.
Vụ bà Nguyễn Phương Hằng xúc phạm sư Thích Minh Tuệ, đã cho thấy sức mạnh của dư luận. Chỉ sau 2 lần quyết liệt chống lại dư luận, bà Hằng đã phải lên tiếng xin lỗi và rút lui. Không biết, ca sĩ họ Đàm có rút ra bài học gì từ bà Hằng hay không?
Là người của công chúng, mọi phản ứng của Đàm Vĩnh Hưng đều không thể qua mắt được dư luận. Trong số những người phản ứng với Mr. Đàm, không thiếu những bộ óc sắc bén, phân tích thấu tình đạt lý.
Nếu ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khôn ngoan, thì nên “quay đầu là bờ”, để hạ nhiệt dư luận. Cách tốt nhất là tự soi lại bản thân, tự chỉ ra sai lầm của chính mình. Còn chỉ thấy rác trong của người khác, mà quên đi cọng rác mình thải ra, không khéo, lại thổi thêm vào lửa bằng những vòi xăng mới.
Thái Hà – Thoibao.de