Có thể nói, tình trạng bằng giả chưa bao giờ dậy sóng như bây giờ. Vụ Vương Tấn Việt chưa qua bao lâu, thì nay lại đến thông tin nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết – người được chính quyền Cộng sản phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân, dính lùm xùm bằng giả.
Lần này, người tố cáo rất nặng ký. Đó là ông Luke Robinson của Đại học Sussex, Anh Quốc. Ông này có bằng Tiến sĩ Điện ảnh và Truyền thông. Ông khẳng định, hình ảnh tấm bằng do nghệ sĩ Bạch Tuyết cung cấp, không phải là chứng nhận Tiến sĩ (PhD) tiêu chuẩn.
Ông Luke Robinson khẳng định rằng: “Tôi không tìm thấy luận án tiến sĩ nào như nghệ sĩ Bạch Tuyết nói bảo vệ. Tôi kết luận sơ bộ, bà Tuyết chỉ có chứng nhận khen thưởng của RADA (tức Học viện Kịch nghệ Hoàng gia Anh), chứ không phải cựu sinh viên hay có bằng Tiến sĩ của RADA.”
Sau đó, ông Luke còn thòng một câu thận trọng:
“Có thể đó là một chứng nhận Tiến sĩ danh dự. Nhưng tôi phải nói rằng, bản thân không biết liệu có một định dạng tiêu chuẩn nào cho loại chứng nhận này hay không. Từ trước đến nay, tôi chưa từng thấy một chứng nhận tương tự.”
Những dữ liệu mà ông Luke cung cấp rất thuyết phục. Nếu những gì ông nói là sự thật, thì rất có thể, tấm bằng Tiến sĩ của bà Bạch Tuyết là giả.
Xem ra, nữ nghệ sĩ gạo cội của Việt Nam đã dính một đòn đau. Bà cần chứng minh tấm bằng của bà là thật, để giữ danh dự cho bản thân. Bà đã cho người đại diện trưng các bằng chứng ra trước công luận, rằng: Tại thời điểm năm 1995, việc nghệ sĩ xin phép xuất ngoại du học cần có sự xác nhận của nhà nước, trong đó giấy cho phép của Bộ Văn hóa. Quá trình học tập và hoàn thành việc học, cũng được báo cáo đầy đủ, để cơ quan quản lý nắm rõ.
Tuy nhiên, việc nhà nước cho phép đi du học, cũng không thể chứng minh người được cấp phép là đi du học thật. Chỉ có hồ sơ gốc tại trường, cơ sở đào tạo, mới đủ sức thuyết phục. Như vậy, bằng chứng của ông Tiến sĩ người Anh thuyết phục hơn bằng chứng của nữ nghệ sĩ.
Chuyện về tấm bằng Tiến sĩ của nghệ sĩ Bạch Tuyết vẫn chưa ngã ngũ, chưa thể khẳng định ai đúng ai sai. Tuy nhiên, nhìn vào bằng chứng, người dân phần nào đến được gần với sự thật hơn. Rất có thể, người chủ của tấm bằng trên không có bằng chứng nào tốt hơn để chứng minh.
Trong một số trường hợp, bằng thật, bằng giả không dễ chứng minh, và cho dù có hai năm rõ mười, thì việc xử lý cũng chưa chắc đã làm hài lòng công chúng. Ví dụ như trường hợp của ông Thích Chân Quang, ông bị tước hết bằng cấp, nhưng đơn vị cấp bằng là Đại học Luật thì lại chẳng bị xử lý.
Gần đây, nguồn tin nội bộ cho Thoibao.de biết, tấm bằng cử nhân kinh tế mà ông Nguyễn Xuân Phúc khoe khoang là tốt nghiệp tại Đại học Quốc gia Singapore, là bằng giả. Tuy nhiên, Đảng đã lờ đi điều này, bởi nếu phanh phui thì Đảng sợ sẽ bôi “bẩn” bộ mặt của Đảng.
Thật ra, với những tấm bằng được các đại học nước ngoài cấp, không khó để kiểm tra. Chỉ cần dựa vào trình độ tiếng Anh thì cũng đã đánh giá được một người là học thật hay học giả. Nếu thực sự đi học, thì trình độ tiếng Anh phải lưu loát, ví dụ như ông Phạm Bình Minh.
Còn phát âm tiếng Anh mà “Cờ Lờ Mờ Vờ” như ông Nguyễn Xuân Phúc thì đủ hiểu trình độ của ông đến đâu. Hơn nữa, suốt bao năm ngồi ghế Thủ tướng, rồi ghế Chủ tịch nước, tham gia nhiều hội nghị quốc tế, ông chưa bao giờ giao tiếp được bằng tiếng Anh. Ông cũng không hiểu được những thông báo bằng tiếng Anh trong các hội nghị, khiến ông thực hiện hành động tập thể sai cách, làm trò cười cho truyền thông và công chúng.
Nếu nghệ sĩ Bạch Tuyết thật học, thì bà sẽ nói tiếng Anh lưu loát. Không rõ, đã có ai nghe/ thấy nữ nghệ sĩ nói tiếng Anh bao giờ chưa? Tuy nhiên, kể cả khi bà nói được tiếng Anh, thì vẫn chưa đủ để chứng minh rằng, tấm bằng Tiến sĩ của bà là thật, mà cần phải có hồ sơ gốc từ trường Đại học mà bà theo học.
Trần Chương – Thoibao.de