Facebook và Google chấp hành trên 90% yêu cầu kiểm duyệt của Việt Nam

Ngày 30/11, RFA Tiếng Việt loan tin “Facebook và Google kiểm duyệt 15.000 nội dung “chống phá” theo lệnh nhà nước”.

Theo đó, chính quyền Việt Nam tiết lộ, đã yêu cầu các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google, và Tiktok, kiểm duyệt hơn 15.000 nội dung bị cho là “chống phá Đảng, nhà nước”.

RFA cho biết, thông tin trên được đưa ra hôm 28/11, trong khuôn khổ một hội nghị của Bộ Thông tin Truyền thông.

Hội nghị trên có chuyên đề về hoạt động quản lý thông tin điện tử trong năm 2024, và định hướng cho năm 2025. Nghị định 147 cũng được thảo luận trong Hội nghị này.

Đáng chú ý, RFA dẫn báo cáo của cơ quan quản lý dịch vụ internet, cho hay, trong năm 2024, nhà nước đã yêu cầu các mạng xã hội lớn như Facebook, Google (công ty sở hữu YouTube), và Tiktok, kiểm duyệt các nội dung bị cho là “chống phá Đảng, nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam”.

Cụ thể, theo Bộ này, năm qua Facebook đã kiểm duyệt 8.981 bài đăng, Google kiểm duyệt 6.043 nội dung, còn Tiktok áp dụng các biện pháp kiểm duyệt với 971 video bị coi là vi phạm.

Một điểm đáng chú ý nữa, đó là tỉ lệ chấp hành của 3 nền tảng mạng xã hội này đều đạt trên 90%.

Trước đó, RFA đã đưa tin, về việc Facebook kiểm duyệt hàng loạt bài đăng của nhiều người bất đồng chính kiến, khi họ đưa tin về vụ bê bối liên quan đến cận vệ của Chủ tịch nước Lương Cường.

Việc các công ty công nghệ nước ngoài kiểm duyệt nội dung ở Việt Nam theo lệnh của nhà nước, đã bị các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án.

RFA nhắc lại, năm 2020, tổ chức Ân xá Quốc tế đã công bố báo cáo về hiện tượng này, và gọi hành vi kiểm duyệt của các công ty là “tùy tiện”.

Cũng trong Hội nghị diễn ra ngày 28/11, Bộ Thông tin Truyền thông đã thảo luận về việc phổ biến Nghị định 147/2024/NĐ-CP, đây là công cụ pháp lý mới nhất được chính quyền đưa ra, nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn việc sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam.

Ngày 23/11, RFA đã bình luận rằng, “Người dân sắp mất cả tiền lẫn tự do vì Nghị định 147”.

RFA đánh giá, Nghị định 147 sẽ như “chiếc đinh đóng vào quan tài”, đánh dấu thêm một bước thắt chặt đối với tự do ngôn luận tại Việt Nam. Không dừng lại ở đó, ngay cả túi tiền của người dân cũng nằm trong diện bị kiểm soát.

RFA dẫn lời chị M, 40 tuổi, một người kinh doanh online tại Hưng Yên, cho rằng, hiện nay, việc bán hàng online quá nhiều, nên nhà nước phải truy người bán để thu thuế.

Theo RFA, Nghị định 147 được xem như một bản nâng cấp từ các nghị định trước đây, nhằm quản lý chặt chẽ hơn, và nhắm mục tiêu vào các dịch vụ mạng xã hội.

Nghị định 147 mở rộng phạm vi giám sát về nội dung, bao gồm cả nội dung trong các livestream và quảng cáo trên không giang mạng, vốn là những hình thức bán hàng online. Chỉ những tài khoản đã được xác minh danh tính đầy đủ, thực hiện định danh cá nhân, mới được phép đăng tải thông tin, bình luận, hoặc livestream.

RFA dẫn lời một nhà hoạt động về quyền bảo mật thông tin cá nhân, cho rằng, việc lưu trữ thông tin giúp nhà nước dễ dàng điều tra các hoạt động phạm pháp trên mạng xã hội, như lừa đảo, xâm hại, tung tin giả mạo…

Tuy nhiên, việc này sẽ vi phạm quyền riêng tư của người dùng, tiềm ẩn rủi ro nguy cơ thông tin cá nhân bị rò rỉ, hack, dẫn đến các vấn đề như lừa đảo, mạo danh v.v… Ngoài ra, cơ quan chức năng có thể lạm dụng quyền lực để truy cập trái phép vào thông tin cá nhân của người dân, gây ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận và các quyền khác.

Được biết, vào tháng 10 vừa qua, Freedom House đã đánh giá Việt Nam, với hơn 100 triệu dân chỉ đạt 22/100 điểm về chỉ số Tự do Internet và bị xếp vào hạng “Không có tự do”. 

Đây là năm thứ 5 liên tục, từ 2020, Việt Nam có điểm về chỉ số Tự do Internet là 22/100, giảm 2 điểm so với năm 2019 là 24/100.

 

Thu Phương – thoibao.de