Tổng Bí thư Tô Lâm mời Tập Cận Bình thăm Việt Nam có thay đổi được thế cuộc Đại hội 14?

Mối quan hệ Việt Nam và Trung Quốc đang nồng ấm trở lại. Điều này khác với mấy tháng trước đây, sau khi nhậm chức Tổng Bí thư, ông Tô Lâm được cho là có nhiều biểu hiện khiến Ban lãnh đạo Bắc Kinh không hài lòng.

Truyền thông nhà nước Việt Nam ngày 15/1/2025 đưa tin, Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã điện đàm nhân dịp tết Ất Tỵ. Theo đó, ông Tô Lâm đã chủ động mời ông Tập Cận Bình trở lại thăm Việt Nam trong năm 2025. Chủ tịch Tập Cận Bình đã cảm ơn và vui vẻ nhận lời.

Theo giới quan sát, khả năng cao Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến thăm Việt Nam, nhằm tăng cường mối quan hệ giữa 2 đảng, 2 nhà nước cùng chung ý thức hệ cộng sản anh em. Đặc biệt, năm 2025 được đánh giá là một năm “bản lề”, và chỉ còn chưa đầy một năm nữa, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 14 sẽ khai mạc để ra mắt một Ban lãnh đạo mới.

Theo giới phân tích quốc tế, sự cạnh tranh giữa các lãnh đạo cấp cao trong Đảng Cộng sản Việt Nam, giữa Tổng Bí thư Tô Lâm, và Thủ tướng Phạm Minh Chính, là một vấn đề nhạy cảm và phức tạp.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính là 2 nhân vật có ảnh hưởng lớn trong Đảng, và được coi là những ứng viên tiềm năng cho các vị trí cao trong tương lai. Tại thời điểm hiện nay, chỉ còn 2 ông Tô Lâm và Phạm Minh Chính là đủ tiêu chuẩn để ngồi ghế Tổng Bí thư.

Theo giới phân tích, ông Tô Lâm là một nhân vật có kinh nghiệm trong ngành công an, với vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc gia và ổn định chính trị. Ông được đánh giá là người có quan hệ chặt chẽ với cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời cũng là một trong những trụ cột của Đảng trong việc chống tham nhũng.

Kể từ cuối năm 2023, khi ông Trọng có vấn đề về sức khỏe, theo giới thạo tin, ông Tô Lâm đã chính thức trở thành Tổng Bí thư, chứ không cần phải đợi đến lúc ông Trọng qua đời.

Được biết, ông Tô Lâm đã có một kế hoạch hoàn hảo, để từng bước từng bước một thâu tóm quyền lực trong một thời gian dài. Tuy nhiên, việc ông Tô Lâm là Đại tướng công an, khiến đa số các lãnh đạo cấp cao trong Đảng lo ngại về sự tập trung quyền lực quá mức.

Trong khi đó, ông Phạm Minh Chính là một nhà lãnh đạo có kinh nghiệm trong cả lĩnh vực chính trị và an ninh. Hiện nay, ông Chính được đánh giá là người có tư duy cải cách, năng động, và có khả năng điều hành kinh tế. Đặc biệt là mối quan hệ rất tốt với ban lãnh đạo Trung Quốc.

Đáng chú ý, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhận được sự ủng hộ từ nhiều phe cánh, cũng như các lãnh đạo cấp cao trong Đảng nhờ phong cách làm việc quyết liệt, thực chất.

Việc ai sẽ trở thành Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng 14 sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự ủng hộ từ các thành viên Trung ương Đảng, trên cơ sở uy tín cá nhân, và khả năng lãnh đạo.

Theo giới chuyên gia, một nguyên tắc xuyên suốt mang tính sống còn và “bất di bất dịch” của Đảng Cộng sản Việt nam từ năm 1986 cho đến nay, đó là, nguyên tắc “Tập trung dân chủ”, quyết định của Đảng thuận theo biểu quyết của số đông.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là yếu tố mang tính quyết định trong việc ai sẽ là Tổng Bí thư tại Đại Hội 14 sắp tới. Mà bài học của cựu Thủ tướng 2 nhiệm kỳ Nguyễn Tấn Dũng, với sự ủng hộ trên 70% từ Ban Chấp hành Trung ương đã thất bại “cay đắng” trước Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với sự hậu thuẫn của Bắc Kinh.

Đây là bài học kinh nghiệm nhớ đời mà Tổng Bí thư Tô Lâm không được coi thường, nhất là khi ông Tô Lâm chỉ nhận được sự ủng hộ thiểu số từ ban lãnh đạo cấp cao, cũng như Ban Chấp hành Trung ương.

Tuy nhiên, từ nay đến Đại hội Đảng 14 còn gần 1 năm nữa, vẫn còn quá sớm và chưa thể nói trước điều gì. Chúng ta hãy chờ xem.

 

Trà My – Thoibao.de